Tôn giáo Hàm Thuận

Từng là địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số bản địa, tín ngưỡng đa thần từng chiếm tỳ lệ đáng kể. Bên cạnh đó, tôn giáo Bà-la-môn cũng cắm rễ chặt chẽ trong cộng đồng người Chăm. Từ thế kỷ XVII, theo chân các di dân người Việt, các tôn giáo mới cũng thâm nhập và cắm rễ. Ở những ngôi làng của người Việt, bên cạnh ngôi đình làng thờ Thành hoàng, còn có những ngôi chùa Phật giáo. Những ngôi chùa có sớm phải kể đến Bửu Quang Tự ở làng Xuân Phong (1762), Phước Hưng Tự ở làng Phú Trường... Đầu thế kỷ thứ XVIII, Thiên Chúa giáo cũng xâm nhập vào Hàm Thuận, nhưng tôn giáo này chỉ thực sự phát triển từ sau năm 1955, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đưa khoảng 20.000 giáo dân di cư vào vùng Hàm Thuận, lập 2 xứ đạo đầu tiên là Phú Hài và Kim Ngọc.